Haravan đồng hành cùng chuỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ - XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP SMEs

Haravan đồng hành cùng chuỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ - XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP SMEs

Câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công của các công ty, tập đoàn hàng đầu luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn thất bại khi áp dụng cách thức xây dựng văn hóa từ những tượng đài lớn đi trước. Vì sao xảy ra hiện tượng này và lời khuyên cho các chủ doanh nghiệp SME là gì? Lời gỡ rối cho tình trạng trên đã được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ tại sự kiện “Xây dựng văn hóa để tăng trưởng và tiết kiệm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” được tổ chức vào ngày 07/10/2022 tại Hà Nội vừa qua.

Haravan hân hạnh hợp tác cùng Học viện Khởi nghiệp và Nhân bản Chuỗi bán lẻ Việt Nam tổ chức sự kiện lần này với vai trò Đối tác Chiến lược. Và đồng hành cùng những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đến từ những thương hiệu danh tiếng như Thế Giới Di Động, The Coffee House, Tiki, Mekong Capital, Tam Sơn…. lan tỏa những giá trị và kinh nghiệm quý báu về xây dựng Văn hóa trong chặng đường tăng trưởng và phát triển Thương hiệu đến hệ sinh thái SMEs.

1. Diễn giả Nguyễn Thị Minh Giang – Case study thực tế về quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Mekong Capital 

Diễn giả Nguyễn Thị Minh Giang chia sẻ tại phiên #1 của sự kiện 

Với vai trò Nguyên Tổng Giám đốc Nhân tài và Văn hóa Doanh Nghiệp, Nguyên thành viên Ban Điều Hành của quỹ Mekong Capital - Diễn giả Nguyễn Thị Minh Giang đã khởi động sự kiện với những góc nhìn thú vị và kinh nghiệm thực tế từ case study mà chị từng trải để đưa ra những đúc kết giá trị giúp Văn hóa doanh nghiệp thực sự “SỐNG” trong quá trình vận hành chuỗi. Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ về hành trình xây dựng Văn hóa từ chính những case doanh nghiệp mà hệ sinh thái Mekong Capital đầu tư.

7 đúc kết từ chia sẻ của diễn giả Nguyễn Thị Minh Giang tại sự kiện Xây dựng văn hóa để tăng trưởng & tiết kiệm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: 
#1. Điều khiến chúng ta “lựa chọn” tương xứng với việc tạo ra “KẾT QUẢ”.
#2. Thực thi chiến lược là do con người – Không phải do chiến lược có vấn đề.
#3. Người sáng lập cần thấy được tầm quan trọng của việc có Văn hóa doanh nghiệp. Có tầm nhìn, sứ mệnh và hành động ngay thay vì để những cái đó trong ổ C, mục giới thiệu trên website hay trên bức tường lạnh lẽo. Mọi thứ không có sự tồn tại hiện hữu thì sẽ rất mơ hồ. Và điều đó giống như lãnh đạo đang lái một chuyến xe đạp ga trong sương mù.
#4. Bài học từ công ty “Kodak” với Văn hóa doanh nghiệp yêu thương nhưng vẫn “toang” và xin tuyên bố phá sản vào năm 2012. 
#5. Đội ngũ nhân viên cần phải được đào tạo, chỉ dẫn, huấn luyện để hiểu tại sao họ cần thay đổi và cần phải có những hành vi, hành động hướng đến văn hóa doanh nghiệp.
#6. 10 bước xây dựng VHDN trong tổ chức – Cách mà các công ty trong hệ sinh thái Mekong Capital xây dựng và đi theo.
#7. 4 bước khiến văn hóa doanh nghiệp “SỐNG” trong tổ chức.

2. Diễn giả Bùi Phượng – Tầm ảnh hưởng của văn hóa trong chặng đường tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp 

Diễn giả Bùi Phượng chia sẻ tại phiên #2 của sự kiện 

Diễn giả Bùi Phượng – Giám Đốc khối Nhân Sự Tập đoàn Openasia đã mở màn phiên 2 với câu chuyện “giao thoa” Văn hóa doanh nghiệp của Trường đào tạo Chuỗi bán lẻ và dịch vụ. Với những trải nghiệm đa văn hoá từ quốc tế đến Việt Nam cùng những case study thực tế như Starbucks, Tam Son Fashion,... chị Bùi Phượng đã đem đến một phần chia sẻ ấn tượng với những con số minh chứng thuyết phục và cố gắng truyền tải cho tất cả khách tham dự những giá trị xương máu chị đã từng trải.

#1. Người phù hợp đến từ đâu? Tất cả là do Văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải rất rõ văn hóa của mình là gì, cần ai - Từ đó, doanh nghiệp mới có thể tìm người phù hợp.
#2. Tư duy “Tuyển dụng chậm – Sa thải nhanh” – Tuyển dụng không cần nhanh, cần sàng lọc kỹ người phù hợp với văn hóa của mình. Khi một người “không còn hợp”, cảm thấy “chúng ta không thuộc về nhau” thì doanh nghiệp nên “chia tay” trong êm đẹp
#3. Lãnh đạo phải là người làm gương và “sở hữu” những giá trị văn hoá của doanh nghiệp. Từ đó, mới cuốn hút được nhân sự “lên thuyền cùng”.

3. Diễn giả Nguyễn Duy Linh – Cách đưa văn hóa doanh nghiệp vào vận hành các tổ chức lớn

Dẫn dắt phiên 3 với phần chia sẻ đầy ấn tượng “Mình khuyên mọi người đừng copy văn hóa công ty khác. Cuối cùng ai là người thực thi. Để làm được thực thi đó và để thực thi được thì phải đến từ tâm của họ, tim của họ, ngấm vào máu của họ. Thấy người ta làm được nhưng nó không phải máu của mình. Không phải tim của các bạn, tâm của các bạn thì đừng làm” - Diễn giả Nguyễn Duy Linh đã truyền cảm hứng đến đông đảo người tham dự bằng cách đưa các giá trị theo đuổi vào vận hành hàng ngày ở các tổ chức lớn như Thế Giới Di Động, Seedcom (The Coffee House, Juno, Haravan, Giao Hàng Nhanh…). 

Diễn giả Nguyễn Duy Linh chia sẻ tại phiên #3 của sự kiện 

Anh Linh lấy dẫn chứng ngay cả một công ty lớn trong ngành bán lẻ công nghệ cũng thất bại khi bước chân vào ngành không nằm trong giá trị văn hóa của mình là thời trang. Theo chuyên gia có gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ này, thời trang là ngành đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới liên tục trong sản phẩm và đây không phải là giá trị của một công ty bán lẻ công nghệ.

“Để các bạn tồn tại phát triển các bạn phải nhìn vào công ty mình cần gì để phát triển chứ không phải nhìn sang công ty khác. Nếu các bạn không đủ niềm tin, bạn làm không tới, khả năng chết rất cao. Các công ty đã thành công cũng phải mất nhiều năm. Cá nhân Linh đã trải nghiệm rất nhiều việc áp đặt giá trị của công ty cũ vào doanh nghiệp mới và rất căng. Đừng copy ai cả hãy xem giá trị thực các bạn muốn là gì, các bạn quyết liệt làm tới cùng sống với nó”, anh Linh đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp.

5 đúc kết quan trọng từ chia sẻ của diễn giả Nguyễn Duy Linh: 
#1. Cần định nghĩa rõ thế nào là “Văn hoá” mà doanh nghiệp theo đuổi một cách cụ thể và rõ ràng thì nó mới có thể để “Sống” được trong tổ chức.
#2. Thực Thi – Thực Thi và Thực Thi là 3 keywords quan trọng trong việc đưa văn hóa doanh nghiệp vào tổ chức.
#3. Đơn giản hóa mọi việc để có để dễ dàng “ĐỒNG HÓA” văn hóa chung.
#4. 3 – 4 năm là thời gian để một tổ chức từ lúc xây đến lúc sống được.
#5. Không nên sao chép 100% văn hoá của tổ chức khác - Hãy cứ là mình, tạo dựng nền văn hoá của mình, tin vào con đường mình đi.

Các diễn giả tham dự phiên tọa đàm cùng Host - Thích Nhân Chuỗi 

Đại diện Haravan tham dự sự kiện - Anh Ngô Văn Toán, Giám Đốc Kinh Doanh Harvan Hà Nội chia sẻ: "Chắc chắn Haravan sẽ tiếp tục đồng hành cùng Học viện Nhân Bản trong các buổi chia sẻ ý nghĩa sắp tới, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng". Hy vọng từ những đúc kết quý báu từ những chuyên gia gạo cội trên, các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng SMEs sẽ thực sự biến Văn hóa trở thành bệ phóng vươn tầm giá trị và bứt phá trên chặng đường tương lai.